1. Hiện tượng trẻ chậm nói
Có thể nói, ngôn ngữ và lời nói là những phương tiện đơn giản giúp trẻ trao đổi, tương tác với mọi người xung quanh. Chính vì thế, các bậc phụ huynh rất quan tâm tới các mốc thời gian trẻ bập bẹ biết nói. Sự phát triển ngôn ngữ của các em bé cũng thể hiện một phần quá trình phát triển trí tuệ của bé. Đó là lý vì sao cha mẹ tỏ ra rất lo lắng nếu như trẻ chậm nói.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ chậm nói đang có xu hướng gia tăng
Khi gặp tình trạng chậm nói, các em bé vẫn phát triển ngôn ngữ theo trình tự tự nhiên, song so với bạn bè đồng trang lứa, thời gian và tốc độ tập nói của con chậm hơn rất nhiều. Điều này khiến các bậc làm cha, làm mẹ rất sốt ruột và bận tâm.
Nếu như đây là hiện tượng chậm nói đơn thuần, phụ huynh không cần quá lo lắng bởi vì tình trạng này không thực sự nghiêm trọng, chúng chỉ mang tính chất tạm thời. Các bậc cha mẹ chỉ cần dành nhiều thời gian giúp đỡ, khuyến khích và động viên bé là vấn đề này sẽ được giải quyết. Điều quan trọng đó là bạn cần sự kiên trì, thường xuyên chơi với con, trò chuyện thì mọi vấn đề sẽ ổn.
Nếu đây là hiện tượng chậm nói đơn thuần, bạn không cần quá lo lắng
Bên cạnh đó, đây cũng có thể là biểu hiện của việc trẻ mắc bệnh khó học khi trưởng thành. Đối với tình trạng này, sự quan tâm và giúp đỡ của người thân trong gia đình cũng không thực sự đem lại hiệu quả cao. Tốt nhất bạn nên đưa con đi tới các chuyên gia để được điều trị đúng cách. Ngoài ra, tình trạng chậm nói ở trẻ nhỏ cũng là tín hiệu thông báo con đang gặp một số vấn đề cần được phát hiện và điều trị sớm.
2. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ chậm nói
Trên thực tế, có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ chậm nói, cha mẹ nên tìm hiểu thật kỹ để xác định vấn đề con đang gặp phải, cho bé điều trị sớm. Nếu bé không gặp hiện tượng chậm nói đơn thuần, các bậc phụ huynh cần lưu ý hết sức, bởi vì em bé có thể đang đối mặt với một trong những vấn đề sau đây.
2.1. Chậm nói do mắc một số bệnh lý
Một trong những lý do giải thích cho hiện tượng trẻ bị chậm nói đó là em bé đang mắc một số bệnh lý nghiêm trọng có liên quan tới tai - mũi - họng hoặc là hệ thần kinh.
Trẻ nhỏ mắc các bệnh liên quan đến tai có nguy cơ chậm nói rất cao
Trong đó, những căn bệnh thường gặp bạn không thể không nhắc tới như: bệnh viêm tai giữa, viêm mạn tính và các bệnh lý khác liên quan tới thính giác. Điều này gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới trẻ, các em bé rất khó khăn để hiểu và tập bắt chước lời nói của mọi người xung quanh. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh về lưỡi hoặc vòm miệng, cha mẹ hãy lưu ý cho con đi khám và điều trị sớm. Có như vậy, quá trình tập nói của con sẽ ít bị ảnh hưởng.
Các bác sĩ cũng chỉ ra rằng hiện tượng trẻ chậm nói thường do em bé mắc bệnh liên quan tới não bộ. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm điều khiển ngôn ngữ, vì vậy khả năng phát triển về ngôn ngữ của bé chậm hơn so với bình thường.
2.2. Chậm nói do ảnh hưởng tâm lý
Tâm lý cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ. Khi còn bé, nếu con vô tình phải trải qua một biến cố, tai nạn nghiêm trọng nào đó, chúng có thể ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của em bé.
Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn để chơi đùa và trò chuyện cùng con ngay từ khi còn bé. Thực tế hiện nay, cuộc sống quá xô bồ, vội vã đã khiến nhiều cha mẹ thiếu quan tâm tới con nhỏ, làm gia tăng tình trạng chậm nói ở các bé, đây thực sự là tình trạng đáng báo động.
2.3. Chậm nói do mắc bệnh tự kỷ
Bệnh cạnh những yếu tố kể trên, nếu phát hiện trẻ chậm nói, bạn hãy theo dõi các biểu hiện của con thật cẩn thận và đưa bé đi khám sớm. Bởi vì, trẻ em chậm nói là một trong những triệu chứng thường gặp khi bé mắc hội chứng tự kỷ. Nhìn chung, bệnh lý này gây ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ bởi vì có sự xuất hiện của nhiều loại gen bất thường. Hậu quả là sự phát triển của hệ thần kinh bị rối loạn khiến em bé có những biểu hiện khác với những đứa trẻ bình thường.
Chậm nói là một biểu hiện thường gặp của bệnh tự kỷ
Như vậy, chúng ta tuyệt đối không thể chủ quan nếu như trẻ nhỏ chậm nói hơn so với bình thường. Nếu bạn đã cố gắng tương tác, tiếp xúc với con mà vấn đề trên vẫn không được giải quyết, hãy mau chóng đưa con đi khám nhé!
3. Triệu chứng thường gặp khi trẻ chậm nói
Một vấn đề được khá nhiều người quan tâm đó là khi trẻ chậm nói, con sẽ biểu hiện như thế nào? Trong giai đoạn từ 5 - 6 tháng tuổi, một số em bé mắc bệnh vẫn chưa phát ra âm thanh hoặc tín hiệu nào. Ngay từ lúc này, phụ huynh nên đưa con đi khám để kịp thời phát hiện, có phương án điều trị.
Từ tháng thứ 7 - 12, các em bé chậm nói vẫn chưa bập bẹ các từ đơn giản hoặc không thể bắt chước một vài từ của người lớn. Đối với những em bé bình thường, từ tháng 12 trở đi, khả năng nói dần tăng lên, các con có thể nghe và hiểu một số mệnh lệnh đơn giản của người lớn. Trong khi đó, trẻ em chậm nói thường phát triển ngôn ngữ chậm hơn rất nhiều.
Cha mẹ nên theo dõi tình trạng của con và đưa bé đi điều trị sớm
4. Con chậm nói, cha mẹ nên xử lý như thế nào?
Chắc hẳn các bậc phụ huynh không giấu được sự lo lắng khi thấy em bé nhà mình phát triển ngôn ngữ chậm hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Trong trường hợp này, cha mẹ nên xử trí như thế nào?
Để em bé nhanh biết nói hơn, bạn nên dành nhiều thời gian để chơi đùa, trò chuyện cùng con, thậm chí bạn hoàn toàn có thể đọc truyện cho bé nghe. Đây là cách cực kỳ tốt để em bé bắt đầu làm quen và tập phản xạ, tương tác lại với mọi người xung quanh.
Đặc biệt, chúng ta không nên để con trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá nhiều, chúng là nguyên nhân cản trở sự phát triển ngôn ngữ của bé. Nếu bạn không muốn trẻ chậm nói, tốt nhất đừng cho con xem trên điện thoại thông minh, máy tính hoặc tivi nhé!
Bậc làm cha, làm mẹ luôn mong muốn con mình phát triển ổn định, bình thường như bao đứa trẻ khác. Chính vì thế, họ khá lo lắng khi phát hiện trẻ chậm nói, khả năng phát triển ngôn ngữ kém. Nếu đã cố gắng tương tác nhiều mà tình trạng này vẫn không tiến triển, bạn nên đưa bé đi khám và điều trị.