Vì sao trẻ lại sợ đến trường?
Bắt đầu từ 3 tuổi, trẻ đã có thể đi học mẫu giáo. Đây chính là trường học đầu tiên trong đời trẻ nên những dấu ấn về trường học, về cô giáo, bạn bè trong giai đoạn này rất quan trọng bởi đó là ấn tượng sâu sắc ghim vào trong tâm trí của trẻ.
Vậy nguyên nhân nào khiến trẻ sợ đến trường? Có lẽ bố mẹ cũng sẽ chủ quan cho rằng do môi trường mới nên con sẽ lo lắng mà không dám đi học nhưng thực ra, nguyên nhân khách quan nhất lại đến từ phía gia đình, từ chính bố mẹ. Trẻ nhỏ giống như tờ giấy trắng, nếu như không có tác động gì thì sẽ chẳng bao giờ sợ hãi, nhút nhát, e dè về cái gì. Nếu nỗi sợ hãi cứ luôn thường trực trong lòng đứa trẻ cũng là do cách giáo dục của cha mẹ.
Nhiều gia đình thường có xu hướng dạy con bằng lời lẽ dọa nạt, la mắng, hễ con sai hay vì điều gì đó mà không vừa ý bố mẹ sẽ bị mắng ngay tức khắc, thậm chí trong lúc nóng giận cha mẹ còn vung tay đánh con. Chính điều này sẽ làm cho đứa trẻ hoảng sợ, hoảng hốt và có cảm giác xa cách với bố mẹ. Việc to tiếng cũng làm cho trẻ ám ảnh về sau, sẽ sợ hãi mỗi lần nghe tiếng cãi vã, tiếng nói to ở đâu đó. Vậy thì với một đứa trẻ cứ trong trạng thái sợ hãi, lo lắng vì sợ bị mắng, bị đánh thì khi bắt đầu vào môi trường mới sẽ như thế nào? Nỗi sợ ấy lại dấy lên và điều hiển nhiên là trẻ sẽ sợ đến trường.
Vì sao trẻ lại sợ đến trường
Đến trường học, điều khiến trẻ lo lắng chính là thầy cô giáo, bạn bè. Nếu thầy cô cũng khó tính, không biết cách kết nối những đứa trẻ với nhau thì đó cũng là nguyên nhân làm cho trẻ không thích đi học. Hoặc những vấn đề như bị bạn bè trêu chọc, chế giễu,… cũng khiến trẻ buồn tủi và không muốn đến trường.
Bố mẹ chính là người thân quan trọng nhất để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ đến trường. Để giúp con trong vấn đề này, bạn phải hiểu rõ nguyên nhân nào khiến con lại không thích đi học như vậy. Muốn tìm hiểu nguyên nhân thì các bậc cha mẹ cần dành nhiều thời gian trò chuyện với con, thử đặt ra các câu hỏi và xem con trả lời như thế nào. Thông thường có những nguyên nhân cơ bản như sau:
Do sinh hoạt thất thường ảnh hưởng đến chuyện đi học của trẻ
Ở nhà nhiều nên lối sinh hoạt của trẻ thất thường, trẻ ham chơi, ăn uống thường không điều độ, không có thói quen dậy sớm nên thường khó chịu khi bị đánh thức mỗi sáng để đi học. Bạn nên cho con ngủ sớm, rèn luyện thói quen dậy sớm và lên lịch trình cá nhân để trẻ không bị sao nhãng việc học mà chỉ lo chơi và quan tâm đến việc khác.
Trẻ buồn do thấy cô đơn giữa mọi người
Khi bước vào một môi trường mới, trẻ thường cảm thấy lạ lẫm với mọi thứ xung quanh và nếu như môi trường ấy không thân thiện thì rất dễ khiến trẻ cảm giác bị cô lập, buồn bã. Nhiều trường hợp trẻ đi học ở trường mẫu giáo vẫn bình thường, vui vẻ nhưng khi chuyển sang học lớp 1 chẳng hạn thì lại thấy lạc lõng, bất an. Gia đình cần tìm cách vỗ về, động viên trẻ vượt qua giai đoạn bắt đầu này. Hãy gợi ý cho con cách giao tiếp, làm quen với mọi người và cho con mang theo đồ chơi yêu thích đến lớp. Như vậy sẽ giúp con thấy tự tin hơn và có cảm giác gần gũi khi có đồ vật yêu thích bên cạnh.
Trẻ bị bạn trêu chọc
Đây là nguyên nhân mà các bậc phụ huynh thường bắt gặp nhất đối với con mình. Cũng là vì trong trường học sẽ có nhiều trẻ với tính cách khác nhau, đôi khi chỉ vì đùa cợt, vui chơi quá đà mà buông lời lẽ khó nghe và với đứa trẻ khi mới vào trường mới sẽ rất dễ bị tổn thương, dần dần sẽ ghét trường lớp và không muốn đến trường. Là bố mẹ, bạn cần chú ý vấn đề này và dạy con cách giải quyết khi không có bố mẹ bên cạnh. Có thể nói chuyện với cô giáo của con về vấn đề này hoặc đến gặp phụ huynh của đứa trẻ kia để giải quyết. Tuyệt đối cần nghiêm cấm trẻ đánh nhau, giành giật đồ với bạn, hay lời lẽ, hành động không đúng. Bởi điều đó sẽ để lại hậu quả khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của đứa trẻ sau này và thậm chí còn khiến trẻ bị cô lập trong trường học.