1. Kỹ năng chăm sóc bản thân
Bố mẹ nào cũng có tâm lý muốn bao bọc con nên thường hay làm thay con luôn. Con đi giày lâu một tí là bố mẹ, ông bà đi luôn giúp con, con ăn cơm chậm một tí là bố mẹ xúc cơm cho con ăn... Những việc như thế tưởng chừng đang giúp con nhưng lại vô hình dạy con tâm lý lười biếng, ỉ lại vào bố mẹ. Một số kỹ năng chăm sóc bản thân cho trẻ 2 tuổi mà bố mẹ có thể tập cho con đó là:
- Sắp xếp đồ chơi ngăn nắp: Sau khi trẻ chơi đồ chơi, mẹ hãy hướng dẫn con biết sắp xếp đồ chơi ngăn nắp. Với trẻ 2-3 tuổi có thể chỉ cần yêu cầu trẻ để vào đúng chỗ ban đầu và không nên vứt đồ linh tinh. Mẹ hãy có một hình phạt nhỏ khi trẻ để sai chỗ. và hãy khen và thưởng khi trẻ làm đúng. Như vậy, trẻ sẽ cố gắng cho những lần sau.
- Lựa chọn quần áo mà mình thích để mặc, một số trẻ nhanh nhẹn hơn có thể tự mang và cởi quần áo như quần thun hoặc áo thun. Tự mình chuẩn bị mũ, áo khoác, khẩu trang khi đi ra ngoài cùng bố mẹ.
- Rửa mặt đúng cách, tập thói quen đánh răng 2 lần/1 ngày trước và sau khi ngủ dậy. Bố mẹ có thể mua cho con bàn chải đánh răng với hình con vật dễ thương và các loại kem đánh răng nhiều màu sắc để thu hút trẻ, đồng thời bố mẹ hãy cùng con đánh răng mỗi ngày để con được khích lệ và noi theo gương người lớn.
- Tự đi dép: một số trẻ 2 tuổi sẽ chưa phân biệt được giữa dép trái và dép phải nên thường mang ngược giày dép. Bố mẹ nên đánh dấu để trẻ biết phân biệt và đi giày dép đúng cách. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ cách để giày dép đúng nơi quy định sau khi đi bên ngoài về.
- Tự xúc cơm ăn: dù trẻ còn vụng về trong việc dùng thìa, muỗng nhưng bố mẹ hãy kiên trì hướng dẫn con, làm mẫu thật chậm để trẻ học theo, tự mình xúc cơm ăn. Bố mẹ hãy kiên nhẫn đợi trẻ ăn hết bữa cơm, nếu trẻ không thích ăn nữa bố mẹ không nên ép trẻ mà hãy bổ sung thêm thực phẩm vào các bữa phụ cho trẻ.
- Tự lên xuống cầu thang: trẻ 2 tuổi có nhu cầu vật động tay chân, cơ thể cao, thích leo lên sofa, ghế, giường và những thứ trong tầm với. Do đó, bố mẹ nên tập cho trẻ tự lên xuống cầu thang, để trẻ học cách kiểm soát chuyển động cơ thể khi leo lên và leo xuống. Bố mẹ cũng cần chuẩn bị các tấm thảm chơi như tấm đệm để trẻ an toàn khi leo trèo.
2. Kỹ năng giữ gìn vệ sinh
Trẻ 2 tuổi đã có thể học cách giữ gìn vệ sinh ngay từ những hoạt động nhỏ nhất trong nhà. Vì vậy, bố mẹ hãy kiên trì để giúp trẻ làm quen với các hoạt động phù hợp nhé, ví dụ như:
- Lau bàn ăn, bàn uống nước: sau khi ăn xong, bố mẹ có thể tập cho con cách lau bàn. Nếu trong khi ăn, trẻ làm đổ thức ăn ra bàn, bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ tự lau sạch chỗ đổ đó. Dần dần trẻ sẽ tập được thói quen cẩn thận khi ăn uống và biết lau dọn khi làm đổ.
- Bỏ rác đúng chỗ: ít nhất bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ tự bỏ vỏ bánh kẹo, vỏ trái cây vào thùng rác. Như vậy, trẻ sẽ hình thành thói quen sạch sẽ và luôn biết nhặt rác bỏ vào đúng nơi quy định để không gian quanh mình sạch sẽ hơn.
- Rửa tay sau khi ăn, sau khi chơi, sau khi đi vệ sinh: bố mẹ hãy tập cho trẻ biết rửa tay sạch sẽ sau khi tham gia các hoạt động hoặc đi vệ sinh. Vừa hướng dẫn trẻ, bố mẹ có thể giải thích cho trẻ về việc rửa tay sạch để loại bỏ vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, giúp mình khỏe mạnh.
- Tự đi vệ sinh: trẻ 2 tuổi đã có thể tự đi vệ sinh, vì thế bố mẹ nên tập cho trẻ biết chủ động đi vệ sinh đúng lúc, đúng chỗ và dội nước sau khi đi vệ sinh. Để trẻ dễ làm quen hơn với việc đi vệ sinh, bố mẹ nên để cố định bô ở một vị trí nhất định trong toilet hoặc chuẩn bị các bệ ngồi toilet cho trẻ.
3. Kỹ năng ứng xử
Dạy cho con cách ứng xử lịch sự là điều mà bố mẹ cần đặc biệt quan tâm. Một số cách ứng xử phù hợp cho trẻ 2 tuổi như:
- Dạy trẻ lễ phép: khi ai đó gọi hay đưa vật gì cho trẻ, bố mẹ hãy dạy trẻ cách biết nói "Dạ, Vâng, Ạ" kèm theo những hành động khoanh tay hay cúi đầu.
- Dạy trẻ biết cảm ơn và xin lỗi: khi trẻ được người lớn hay bạn bè quan tâm hãy biết nói lời "cảm ơn", hoặc khi trẻ làm sai một việc gì đó hay làm phiền người khác thì bố mẹ hãy dạy trẻ nói lời "xin lỗi".
- Dạy trẻ biết chia sẻ từ những hoạt động gần gũi với trẻ nhất như cho bạn chơi đồ chơi cùng, không tranh đồ chơi của bạn mà hãy luân phiên nhau cùng chơi, biết nhường đồ chơi cho em, trả lại đồ chơi sau khi mượn bạn.
- Dạy trẻ biết diễn đạt cảm xúc: trẻ 2 tuổi đã bộc lộ những cảm xúc nhất định nhưng trẻ vẫn chưa biết cách diễn đạt cảm xúc của mình đến bố mẹ. Bởi vậy, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ cách gọi tên chính xác các cảm xúc của mình như vui, buồn, tức giận, yêu, ghét, hạnh phúc... Ngoài ra, bố mẹ cũng cần hướng dẫn trẻ cách nhận biết cảm xúc của người khác để ứng xử hợp lý, ví dụ như "Bạn khóc khi bạn không vui, con ôm bạn cho bạn hết buồn nào!"...
- Dạy trẻ phép lịch sự trong bữa ăn gia đình: trẻ 2 tuổi khá hiếu động nên bố mẹ có thể hướng dẫn cho trẻ những việc đơn giản như mời người lớn ăn cơm, không chọc đũa thìa lung tung trong đĩa thức ăn, không vừa ăn vừa nghịch điện thoại, không vừa ăn vừa xem tivi, không vừa ăn vừa chơi, chạy nhảy, không vừa ăn vừa nói, không làm đổ thức ăn, không làm phiền người khác trong bữa ăn....
- Dạy trẻ phép lịch sự & tôn trọng người khác: khi có người đến nhà, bố mẹ hãy làm gương chào hỏi để trẻ nhìn thấy và bắt chước. Điều này giúp trẻ học được cách tôn trọng người khác, cách lễ phép. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên dạy trẻ không nghịch đồ của người khác khi chưa được phép.
Một điều quan trọng nhất khi dạy kỹ năng sống cho trẻ 2 tuổi đó là bố mẹ nhớ khen thưởng và động viên để trẻ được khích lệ mà làm tốt hơn. Những việc trẻ làm chưa đúng, bố mẹ có thể hướng dẫn lại cho trẻ một cách nhẹ nhàng để lần sau trẻ sẽ làm tốt hơn.