Nhiều người còn nhầm lẫn giữa kỹ năng và hành động nên trong việc dạy con có được những hành động theo yêu cầu của người lớn thì cho rằng trẻ đã có kỹ năng, điều đó hoàn toàn chưa đúng. Một ví dụ cụ thể cho vấn đề này, khi bạn cho trẻ đi chơi, bạn nhắc trẻ con hãy bỏ rác vào thùng rác và trẻ thực hiện theo những gì bạn nói thì đó là hành động. Phần lớn những trẻ ở lứa tuổi mầm non đều có những hành động đơn giản diễn ra trong cuộc sống hàng ngày như: Chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi…nhưng đó nhiều khi vẫn là những hành động làm theo yêu cầu của người lớn và để những hành động đó trở thành kỹ năng cho trẻ thì đòi hỏi phải có một quá trình. Khi hành động đó trở thành kỹ năng chính là lúc trẻ nhìn thấy rác tự nhặt cho vào thùng rác hoặc trẻ gặp người lớn tự chào hỏi… mà không cần người lớn phải nhắc nhở nữa.
Dạy trẻ mầm non kỹ năng sống không phải là ép trẻ phải làm những cái mà người lớn muốn mà là dạy trẻ có ý thức được những gì trẻ cần làm và thực hiện chúng đúng cách. Chỉ như vậy những kỹ năng của trẻ mới được hình thành và nó sẽ theo trẻ đến suốt cuộc đời.
Chúng ta chỉ cần hiểu đơn giản là việc dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non chính là việc đưa hành động vào ý thức, nếu làm được điều này thì bố mẹ hay thầy cô giáo đều có thể dạy kỹ năng sống cho trẻ một cách đơn giản.
Vậy làm thế nào để hành động trở thành ý thức cho trẻ?
Nhiều phụ huynh cảm thấy bực mình khi hàng ngày dạy con việc chào hỏi người lớn nhưng khi ra ngoài thì con lại không bao giờ tự giác chào hỏi mà cứ đợi bố mẹ phải nhắc thì con mới chào, thậm chí nhiều khi nhắc con cũng không chào. Như vậy trẻ chưa hình thành ý thức trong việc chào hỏi. Việc dạy cho trẻ một hành động thì không phải khó, ví dụ như việc nói cảm ơn, nhận biết nguy hiểm hay việc nhặt rác đúng chỗ…nhưng làm sao để trẻ tự nhận thức được những việc đó và tự thực hiện thì là điều không hề đơn giản chút nào.
Nhiều khi người lớn luôn tìm cách áp đặt cho trẻ phải làm cái này hay cái khác mà không có sự phân tích cho con tại sao con cần thực hiện việc đó, nhiều khi người lớn cũng không làm gương cho trẻ. Ví dụ rất đơn giản, chúng ta luôn nhắc nhở trẻ phải chào hỏi mọi người nhưng chính nhiều phụ huynh lại không chào trẻ khi con chào mình, như vậy sẽ khó có thể hình thành kỹ năng chào hỏi cho trẻ.
Trong một tình huống nếu đi công viên nhìn thấy rác thay vì sai trẻ nhặt rác bỏ vào thùng bố, mẹ nhặt luôn rác và bỏ vào thùng sau đó có thể hỏi trẻ có biết tại sao bố, mẹ lại nhặt rác và bỏ vào thùng rác không. Sau đó bố, mẹ phân tích cho con hiểu hành động đó là để góp phần làm cho môi trường sạch sẽ. Khi đã hiểu được ý nghĩa của việc làm có ích, những lần khác trẻ nhìn thấy rác sẽ tự động nhặt.
Ở lứa tuổi mầm non thì việc dạy kỹ năng sống cho trẻ là rất quan trọng. Khi còn nhỏ trẻ được dạy về những hành vi đẹp, cách ứng xử đẹp với môi trường và những người xung quanh… sẽ giúp trẻ hoàn thiện nhân cách.
Vậy những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mầm non là những kỹ năng gì?
Trong cuộc sống hàng ngày ở gia đình trẻ cần được học các kỹ năng tự phục vụ bản thân như đánh răng, rửa mặt, vệ sinh…Ngoài ra trẻ cần nhận biết được các nguy hiểm xung quanh mình như những nguy hiểm từ lửa, điện, nước, người lạ…từ đó trẻ biết ứng phó với những tình huống có thể xảy ra. Những kỹ năng về giao tiếp xã hội cũng rất cần thiết với trẻ mầm non như những kỹ năng chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi…và các tình huống trong giao tiếp. Việc dạy các kỹ năng cho trẻ ở lứa tuổi mầm non là hành trang cần thiết cho trẻ khi chuẩn bị bước vào lớp 1, giúp trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý một cách nhẹ nhàng.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non cần phải bắt nguồn từ gia đình vì trẻ học hỏi nhiều nhất từ chính bố mẹ của mình. Phụ huynh phải là những tấm gương để trẻ noi theo.