Kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc
Bạn hãy dặn con những điều dưới đây.
Không bắt chuyện với người lạ
Đây cũng là kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc đầu tiên và quan trọng nhất, mục đích là ngăn sự tiếp xúc giữa trẻ và kẻ bắt cóc. Hãy dặn con bạn nếu có người lạ tìm đến và cố bắt chuyện khi con ở một mình, hãy chạy ngay đi tìm cha mẹ hoặc tới chỗ đông người để tìm những người đáng tin cậy như nhân viên cửa hàng, bảo vệ tòa nhà, cảnh sát hoặc người qua đường để xin sự giúp đỡ.
Không nhận quà từ người lạ
Để dụ dỗ một đứa trẻ đi theo mình, kẻ bắt cóc thường dùng quà như đồ chơi, đồ ăn để thu hút trẻ, sau đó hứa hẹn sẽ cho những món quà lớn hơn, đáng mơ ước hơn nếu trẻ đi theo chúng. Sau khi dụ được trẻ đến chỗ vắng vẻ, chúng sẽ thực hiện hành vi bắt có. Vì vậy, cha mẹ nên dạy con tuyệt đối không nhận quà từ người lạ, nói với trẻ rằng bất kỳ món quà nào được người lạ trao khi không có bố mẹ, người thân bên cạnh thì đều vì mục đích xấu.
Giữ khoảng cách 3m với người lạ
Để tránh tình huống kẻ bắt cóc dùng thuốc mê hay "thuật thôi miên" - những cách chỉ có thể áp dụng ở khoảng cách gần, khiến trẻ dù biết đó là kẻ xấu cũng không có khả năng phản kháng, cha mẹ cần dặn con giữ khoảng cách với người lạ, tốt nhất là khoảng 3 mét. Nếu người lạ cố gắng tiến lại gần, hãy chạy thật nhanh tới chỗ đông người để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Nhiều kẻ bắt cóc khi không dụ dỗ được trẻ thì xoay sang đánh vào lòng tốt của các em như nhờ xách đồ hộ mình, hay nhờ dẫn đường để trẻ đi theo chúng. Hãy giúp con bạn ghi nhớ rằng khi có người lạ nhờ những việc đó, nên khéo léo từ chối; có thể tìm người lớn khác đến giúp nếu người đó thật sự cần giúp đỡ, tuyệt đối không đi theo người lạ.
Không cho người lạ vào nhà
Đây là kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc cơ bản mà mọi đứa trẻ đều phải biết. Những lúc người lớn đi vắng, nhiều tên bắt cóc mạo nhận là người quen của gia đình, thợ sửa đồ, nhân viên thu tiền dịch vụ…. để dụ dỗ trẻ mở cửa. Do đó bạn cần dặn trẻ nếu ở nhà một mình tuyệt đối không được đến gần, tiếp chuyện hay mở cửa cho người lạ. Khi có ai đó ở ngoài gọi vào, hãy đứng ở khoảng cách xa và nói vọng ra. Nếu kẻ xấu cố tìm mọi cách để vào nhà, trẻ cần hô hoán và gọi ngay 113 để báo công an, sau đó gọi cho cha mẹ.
Không "chat" với người lạ
Nhiều trẻ tiếp xúc sớm với internet và bị kẻ xấu dụ dỗ qua kênh này. Trẻ có thể kết bạn qua mạng với kẻ xấu mà không biết. Chúng thường lợi dụng thông tin trẻ đăng tải trên mạng để khéo léo tiếp cận, làm quen rồi dụ gặp mặt bên ngoài. Vì vậy tốt nhất cha mẹ hạn chế con sử dụng các thiết bị điện tử, trẻ còn nhỏ không được mở tài khoản mạng xã hội, trẻ lớn hơn nếu được phép dùng mạng xã hội cũng cần có sự kiểm soát và không đăng công khai thông tin cá nhân, không kết bạn hay trò chuyện với người lạ.
Nhớ số điện thoại của bố mẹ
Số điện thoại của bố mẹ giúp trẻ cầu cứu khi bị lạc hay đang bị kẻ xấu tìm cách tiếp cận. Đây là con số mà trẻ phải học thuộc lòng.
Đeo đồng hồ có định vị
Chiếc đồng hồ thông minh có tính năng định vị sẽ giúp bố mẹ, cơ quan chức năng xác định được vị trí của trẻ chừng nào kẻ xấu chưa phát hiện và vô hiệu hóa nó. Bạn có thể sắm cho con một chiếc có thiết kế không bắt mắt để ít bị kẻ xấu chú ý.
Dạy con cách đối phó với kẻ bắt cóc
Trong trường hợp cảm thấy kẻ đang tiếp cận mình chính là kẻ xấu, đang có ý định bắt cóc, con bạn cần đối phó theo những cách sau.
Hét lên
Cha mẹ hãy dặn trẻ rằng trong tình huống nguy hiểm khi kẻ xấu đang tiếp cận hoặc bị chúng kéo đi, bị dàn dựng kịch bản để công khai bắt cóc, hãy hét lên thật to, thu hút sự chú ý của người đi đường. Có những khi kẻ bắt cóc giả danh người thân để kéo, bế trẻ đi, khiến người ngoài ngại can thiệp. Trong trường hợp này, trẻ cần hét to nói rõ đó không phải bố cháu, mẹ hay ông bà cháu, buộc kẻ xấu phải e ngại và người ngoài mạnh dan can thiệp.
Chống trả bằng thể lực
Ngoài việc gào thét kêu cứu, trẻ cũng nên phản kháng bằng thể lực như cào, cắn, đá. Nhiều kẻ bắt bóc vì bị cắn đau mà đã phải buông nạn nhân ra, khiến đứa trẻ có cơ hội bỏ chạy.
Ngoài ra, việc chống trả, tấn công này cũng là thông điệp để những người xung quang đó nghi ngờ rằng kẻ đó không phải thân nhân đứa trẻ và đang thực hiện hành vi bắt cóc, họ sẽ để ý và can thiệp. Tên bắt cóc nhiều khi chịu buông tha đứa trẻ khi bị cắn, đá không phải vì quá đau mà vì biết mình đã gây chú ý, nên đành bỏ cuộc.