1. Kỹ năng chào hỏi lễ phép là gì?
Chào hỏi lễ phép là cách ứng xử thể hiện thái độ đúng mực với người khác khi gặp gỡ. Đây là hành vi giao tiếp cơ bản hàng ngày nhưng không phải bất kì ai cũng biết và làm đúng. Đặc biệt, kỹ năng này vô cùng cần thiết với trẻ nhỏ. Trẻ biết cách chào hỏi lễ phép sẽ nhận được sự yêu mến của mọi người và hòa nhập tốt với môi trường xung quanh. Hơn thế, các con sẽ phát triển toàn diện từ nhân cách đến kỹ năng, tạo nền tảng để trở thành một người có phẩm chất tốt đẹp trong tương lai.
2. Lý do trẻ thường không chào hỏi lễ phép khi gặp người lớn
Hiểu rõ được tầm quan trọng của chào hỏi lễ phép trong cuộc sống, bố mẹ đã dạy bé kỹ năng này ngay từ sớm. Tuy nhiên, dù đã nhiều lần hướng dẫn nhưng vẫn thường xuyên xảy ra tình huống con không chào hỏi lễ phép khi gặp người lớn. Theo các nhà tâm lý học, đây là một trạng thái rất bình thường ở trẻ. Phụ huynh cần biết đến các lý do để kiên nhẫn và bình tĩnh hơn, có phương pháp dạy bé đúng đắn. Một số lý do có thể kể đến là:
- Bé cảm thấy lạ lẫm, không quen khi tiếp xúc với người lạ, môi trường mới
- Bé có tính cách nhút nhát, mang tâm lý sợ hãi khi gặp gỡ người mới
- Bé đang có tâm trạng không tốt, mệt mỏi hay tức giận
- Bé muốn thể hiện bản thân qua việc quyết định chào hỏi người khác hay không
3. Các cách dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép
Để giúp bé khắc phục được những nguyên do này, bố mẹ cần tìm được phương pháp giáo dục phù hợp để dạy trẻ kỹ năng chào hỏi đúng đắn và hiệu quả. Dưới đây là một số phương pháp phụ huynh có thể tham khảo.
3.1. Không thúc ép, để trẻ chào hỏi tự nhiên
Bố mẹ cần lưu ý không nên thúc ép hay tỏ thái độ gắt gỏng, trách mắng trong quá trình dạy trẻ. Điều này dễ mang đến tâm lý tiêu cực cho con, vừa tạo cảm giác khó chịu lại vừa khiến con bị tổn thương. Bé sẽ trở nên áp lực và căng thẳng mỗi khi gặp người lạ. Lâu dần, trẻ sẽ trở nên nhút nhát và khó khăn trong giao tiếp hàng ngày, không muốn chủ động chào hỏi người khác nữa.
Vì vậy, bố mẹ chỉ nên kiên nhẫn và nhẹ nhàng hướng dẫn, để con tập làm quen và thích nghi. Qua một thời gian được quan sát và chỉ dẫn, bé sẽ có thói quen tốt biết cách chào hỏi lễ phép với người lớn đồng thời tự tin hơn và chủ động hơn trong giao tiếp.
3.2. Làm gương cho trẻ noi theo
Trẻ ở lứa tuổi mầm non thường có thói quen bắt chước người khác, đặc biệt là những người gần gũi và thân quen với bé như bố mẹ, anh chị… Vì thế, các thành viên trong gia đình chính là tấm gương để trẻ noi theo.
Dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép từ chính những hành động hằng ngày tại nhà chính là cách hiệu quả nhất. Phụ huynh có thể bắt đầu bằng cách chủ động chào hỏi người khác khi gặp gỡ và hướng dẫn bé làm theo. Bố mẹ cũng có thể tạo thói quen chào con trước khi bé đi học và sau khi con về đến nhà. Bên cạnh đó, việc tạo ra các tình huống giả định cũng là một cách để con hiểu được bản chất vấn đề đồng thời tạo thói quen chào hỏi một cách nhanh hơn.
3.3. Giải thích cho bé hiểu về tầm quan trọng của việc chào hỏi lễ phép
Để việc dạy trẻ hiệu quả hơn, bố mẹ có thể giải thích cho bé hiểu về tầm quan trọng của việc chào hỏi lễ phép. Vì lứa tuổi còn nhỏ nên thông thường con sẽ không hiểu được tại sao mình cần làm điều đó. Nếu biết được những điều tốt đẹp khi chào hỏi lễ phép với người lớn, bé sẽ tự chủ động thực hiện mà không cần sự nhắc nhở của bố mẹ. Phụ huynh hãy giải thích cho bé rằng đây là một việc nên làm, có thể giúp con nhận được nhiều sự yêu mến và gắn kết, gần gũi hơn với người xung quanh.
3.4. Kết hợp dạy con bằng cách vừa học vừa chơi
Kết hợp dạy con bằng cách vừa học vừa chơi luôn là phương pháp hữu hiệu nhất. Bố mẹ có thể tạo lập các tình huống giả định để bé làm quen và luyện tập. Dần dần, con sẽ hình thành nên thói quen biết chào hỏi lễ phép. Ngoài ra, phụ huynh còn có thể kể cho bé các câu chuyện hoặc đóng vai thành những nhân vật để tạo cảm hứng cho bé.