Đây là năm thứ hai ngành giáo dục thực hiện lễ khai giảng thống nhất trong sáng ngày 5/9, ngắn gọn và thực sự vì học trò. Theo đó, cả nước sẽ cùng tổ chức khai giảng đồng loạt vào lúc 7h30. Năm học 2016 -2017 là năm thứ hai toàn quốc thay đổi trong cách tổ chức khai giảng. Lễ khai giảng sẽ được diễn ra với hai phần chính: Lễ và hội.
Phần lễ gồm các nghi thức cơ bản như chào cờ, hát quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, lãnh đạo trường phát biểu ngắn gọn. Phần hội sẽ tổ chức hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường trở thành kỷ niệm thiêng liêng với học sinh, nhất là những em lần đầu đến trường.
Nét hồn nhiên của học sinh tại trường tiểu học, trung học cơ sở Archimedes Academy, Hà Nội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường tổ chức trang trí khuôn viên sư phạm sạch, đẹp, có khẩu hiệu chào mừng, thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới; chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để lễ khai giảng diễn ra thuận lợi, an toàn, thực sự là ngày hội đối với các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, đồng thời thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có hơn 23 triệu học sinh, sinh viên. Trong đó, giáo dục Mầm non là 4.87 triệu học sinh; Giáo dục phổ thông là 15.7 triệu học sinh; Giáo dục TCCN là 315 nghìn sinh viên; giáo dục đại học, cao đẳng là 2.15 triệu sinh viên. Cả nước có khoảng 1.3 triệu giáo viên, giảng viên.
Năm học 2016-2017, ngành giáo dục tiếp tục đổi mới với nhiệm vụ chủ yếu là tăng cường kỷ cương, nề nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Cùng chung vui với các em học sinh, sinh viên còn có sự góp mặt của Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng bộ GD-ĐT...
Theo đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Trước đó, Chủ tịch nước đã có thư chúc mừng khai giảng năm học mới. Tại lễ khai giảng, Chủ tịch nước đã đánh trống khai trường đồng thời trao phần thưởng cho các học sinh đã đoạt giải giải Olympic vừa qua. Phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn các em học sinh tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, rèn luyện tu dưỡng đạo đức, tích lũy kiến thức, nuôi dưỡng khát vọng xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai trường tại trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mặt ở Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường chuyên biệt cho học sinh khiếm thị. Cùng tham dự lễ khai giảng tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu còn có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Phát biểu tại lễ khai giảng ở trường Nguyễn Đình Chiểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Nghề giáo là sự nghiệp cao quý nhưng cũng đầy thách thức. Làm nghề giáo đòi hỏi phải có sự kiên trì, tận tụy, đức hi sinh hết lòng vì học sinh. Thầy cô giáo phải thực sự như người cha, người mẹ thứ 2 của học sinh thân yêu. Hôm qua, tôi có nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ nói đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định đến thành bại của đổi mới giáo dục. Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến này. Đối với học sinh, việc kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình, xã hội là yếu tố thành công. Lòng nhân ái, tình yêu thương là những điều quan trọng làm nên phẩm giá con người. Vì vậy, tất cả phụ huynh có mặt hay không có mặt ở đây cần có sự phối hợp tốt với nhà trường để giáo dục, chăm sóc tốt học sinh".
Tham dự lễ khai giảng trường THCS Nguyễn Đình Chiểu có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Thay vì chỉ có những lời phát biểu, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân đã dành nhiều thời gian để trò chuyện với học sinh trường PTTH Dân tộc nội trú Tuyên Quang trong lễ khai giảng. Ông Nhân hỏi: "Cháu mong ước gì cho tương lai của mình và đất nước?". Em Ma Thị Diệu trả lời: "Cháu mong ước sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho đồng bào. Cháu mong các thầy cô và các bạn quan tâm, giúp đỡ để ước mơ của cháu thành hiện thực".
Ông Nhân hỏi tiếp: "Cháu thấy khó khăn lớn nhất của đất nước hiện nay là gì?". Một chút rụt rè, nhưng em Ma Thị Diệu trả lời ngay: "Theo cháu, khó khăn lớn nhất của đất nước hiện nay là vấn đề biển đảo". Ngỏ lời với toàn thể thầy cô, học sinh, ông Nhân mong muốn thầy cô nhà trường phát huy trí tuệ, công sức, để giúp đất nước phát triển, có thể đương đầu được với các thách thức, nhất là thách thức chủ quyền.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đang nghe em Ma Thị Diệu trả lời... phỏng vấn.
Trong không khí náo nức của học sinh cả nước, hơn 2.000 HS của trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM đã hân hoan trong lễ khai giảng năm học mới 2016-2017. Đặc biệt người gióng hồi trống khai giảng tại trường không ai khác chính là Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. Đây là một vinh dự lớn của thầy và trò ngôi trường giàu thành tích này.
Bí thư thành ủy Đinh La Thăng và hiệu trưởng nhà trường Bùi Minh Tâm tặng hoa và kỷ niệm chương tuyên dương các học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh lớp 10...
Bên cạnh những vị lãnh đạo của nước nhà, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh và Á hậu Thuỳ Dung cũng đã trở lại ngôi trường xưa để chung vui với nhà trường. Theo đó, tại trường THPT Việt Đức - Hà Nội, Tân hoa hậu đã được nhà trường và các học sinh đón tiếp nồng nhiệt. Á hậu Thùy Dung cũng đã về trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) để dự lễ khải giảng năm học mới và gửi lời tri ân các thầy cô giáo cũ.