Nằm trong chuỗi các hoạt động tập huấn chuyên môn, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện chào đón năm học mới 2024-2025; Thực hiện Quyết định số 1468/QĐ-SGD ngày 11/6/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc cho các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Ngày 15/8/2024 phòng Giáo dục và Đào tạo quận tổ chức Tập huấn chuyên đề Trí tuệ cảm xúc - Trường học hạnh phúc cho đội ngũ Cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn quận. Giảng viên, thầy Dương Quang Minh, người sáng lập Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, Seroto Foundation, Nhà đào tạo trí tuệ cảm xúc. Dự có các đồng chí Lãnh đạo, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo quận, Ban giám hiệu, giáo viên cốt cán các trường mầm non công lập, tư thục trên địa bàn quận.
Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Câu nói khẳng định vai trò quan trọng của cô giáo mầm non trong công tác chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Vậy, làm thế nào để các cô giáo có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dạy trẻ trong khi còn nhiều khó khăn, áp lực trong công việc và cuộc sống? Làm thế nào để xây dựng được những ngôi trường hạnh phúc trong đó mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đều cảm thấy được yêu thương, an toàn và tôn trọng, có như vậy, thì trẻ mới được phát triển toàn diện, mới trở thành một cây non xanh tốt.
Thông qua các trò chơi hấp dẫn, các cô giáo tham dự tập huấn đã hiểu được về trí tuệ cảm xúc. Đó là khả năng theo dõi cảm xúc của mình và của người khác, phân biệt các cảm xúc đó, sử dụng thông tin để định hướng suy nghĩ và hành động. Các cô giáo cũng được thực hành các hoạt động “nói vì người nghe, nghe vì người nói”, một hoạt động giúp cho giáo viên có thể thực hành việc quan sát cảm xúc của bản thân và của người khác, nền tảng của việc thực hành trí tuệ cảm xúc. Lớp tập huấn cũng giúp giáo viên nhận ra cách thức mỗi người thường làm khi có cảm xúc tiêu cực, khi chúng ta không giải tỏa được cảm xúc trước những áp lực, khó khăn thì những cảm xúc đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như hiệu quả công việc. Việc thực hành trí tuệ cảm xúc giúp cho giáo viên nhận diện, suy nghĩ và đưa ra những hành động phù hợp, từ đó giúp cho mỗi người cảm nhận được sự bình an và hạnh phúc hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu xuất làm việc, mỗi giáo viên, nhân viên hạnh phúc thì mới tạo nên một ngôi trường hạnh phúc.